Mối đe dọa tính mạng con người ngoài biển khơi hẳn nhiên không chỉ có cá mập...
Màu sắc sặc sỡ, bắt mắt của các dải đá ngầm, các rạn san hô dưới lòng đại dương khiến cho nhiều du khách vô cùng thích thú. Tuy nhiên, khám phá quanh khu vực này cũng... rất nguy hiểm.
Mọi người thường nghĩ rằng chỉ có cá mập mới là sinh vật đáng lo ngại ngoài biển khơi, nhưng những sinh vật ẩn náu quanh theo dải đá ngầm vô cùng đẹp mắt ấy cũng có khả năng gây chết người "như chơi".
Hiểm nguy rình rập con người ở những nơi rất đẹp dưới đại dương.
Bạch tuộc đốm xanh
Loài bạch tuộc nhỏ này được tìm thấy tại vùng triều san hô chết và các rạn san hô ven bờ ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Bạch tuộc đốm xanh dược xếp vào một trong những loài vật có nọc độc khủng khiếp nhất thế giới.
Loài bạch tuộc này chỉ dài tối đa khoảng 20 cm, nhưng nọc độc của nó đủ để gây chết người và không có chất nào chống được nọc độc khi đã ngấm vào máu.
Theo tiến sĩ James B. Wood, vết cắn của bạch tuộc đốm xanh thường không đau, khá nhỏ. Thường thì nạn nhân không hề biết bị cắn. Chính điều này gây nhiều khó khăn trong việc cứu chữa kịp thời.
Bạch tuộc đốm xanh có chứa độc tố tetrodotoxin cực độc trong tuyến nước bọt, nếu ai vô tình bị nó cắn thì sẽ tắt thở chỉ trong vòng 2 phút. Ban đầu nạn nhân có thể buồn nôn, mù mắt, tê liệt và tim ngừng đập ngay sau đó.
Rất may mắn nếu ai vô tình gặp loài bạch tuộc này khi đang thám hiểm các rạn san hô, vì chúng khá "ngoan ngoãn". Chúng sẽ bơi khi thấy bị đe dọa, và sẽ cắn khi bị khiêu khích.
Sứa hộp
Sứa hộp (Box Jellyfish) sống tại miền Bắc Australia là “kẻ sát nhân” máu lạnh với 60 xúc tu, mỗi cái dài đến 4,5m với 5.000 tế bào ngòi châm chứa độc tố đủ để giết chết 60 người cùng lúc. Chất độc của nó tấn công hệ thần kinh và khiến tim ngừng đập, ngừng hô hấp.
Tuy nhiên, sứa hộp không thể bơi nhanh. Khi chuyển hướng, sứa hộp khá vất vả với bộ xúc tu quá dài. Dù vậy khi đi săn, sứa hộp cũng có phản ứng rất nhanh nhẹn.
Sứa Irukandji
Đây được xem là loài sứa nhỏ nhất trên thế giới, có họ hàng gần với sứa hộp.
Sứa Irukandji được tìm thấy nhiều ở Úc, một số vùng nước ở Nhật Bản, Florida, quần đảo Anh và Malaysia. Xúc tu của chúng có thể dài tới 2,5m và chứa vô số gai để tiêm chất độc vào con mồi.
Sứa Irukandji chỉ để lại vết cắn không đau, nhưng sau khoảng 30 phút, độc tố tác động thẳng lên hệ thần kinh trung ương.
Khi đó, nạn nhân có một số dấu hiệu được gọi là hội chứng Irukandji: ói mửa, ra mồ hôi, nhức đầu, đau vùng dưới của lưng, nhịp tim tăng, áp suất động mạch tăng cao, phù phổi.
Các triệu chứng trên kéo dài trong vài giờ hay trong nhiều ngày và có thể gây tử vong vì suy tim.
Cá sư tử
Loài cá xinh đẹp này có thể bạn sẽ thích ngay sau cái nhìn đầu tiên, nhưng chúng đích thực là động vật ăn thịt hàng đầu dọc theo các rạn san hô.
Cá sư tử có những đường trắng, đen và đỏ thẳng đứng dọc theo thân, vây ngực có dạng chiếc quạt, vây lưng như những lông chim. Cá sư tử có những gai độc gây ra cái chết cho con mồi.
Người bị cá sư tử cắn rất đau, có thể bị buồn nôn, khó thở, co giật, đổ mồ hôi. Trường hợp người tử vong do cá sư tử cắn là hiếm gặp, nhưng có thể gây suy tim ở một số nạn nhân.
Cá chình Moray (Lươn biển)
Có khoảng 200 loài cá chình Moray. Chúng sinh sống chủ yếu tại các vùng biển, nhưng một số loài còn phân bố ở các vùng nước lợ và nước ngọt. Khi bị khiêu khính cá chình Moray mới tấn công.
Rất nhiều khách du lịch thích việc cho cá chình Moray ăn. Tuy nhiên, nhiều thợ lặn đã bị mất ngón tay khi cố gắng cho chúng ăn, bởi chúng nổi tiếng bởi bộ răng khỏe và sắc nhọn như thủy tinh, và chiều dài răng có thể đạt tới vài cm.
Khi đi săn, chúng ngoạm con mồi bằng những chiếc răng nhọn và dùng thân quấn chặt mục tiêu, giống như loài trăn vậy.
Cách tốt nhất để tránh sự tấn công của loài lươn biển này là chỉ nhìn, không chạm vào, và tránh động vào hang của chúng.